Giảm xóc xe máy là bộ phận quan trọng với nhiệm vụ giảm rung chấn cho xe khi đi trên các đoạn đường xấu. Và cũng tương tự những chi tiết khác, sau một thời gian sử dụng, giảm xóc xe máy cũng có thể gặp sự cố hỏng hóc không mong muốn.
Vậy đó là những sự cố gì? Cách khắc phục như thế nào? Câu trả lời sẽ được gửi đến cho người dùng qua những thông tin được chúng tôi chia sẻ ngay sau đây.
Nội Dung Chính Trong Bài Viết
Giảm xóc xe máy có đặc điểm gì?
Giảm xóc còn được gọi là phuộc nhún, là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ giảm rung chấn cho xe khi gặp ổ gà hoặc đi trên các cung đường xấu, mang lại sự thoải mái, êm ái khi vận hành của người lái xe. Cấu tạo của giảm xóc xe máy chủ yếu là dạng ống lồng, bên trong chứa lò xo, ty phuộc và dầu giảm chấn, giúp triệt tiêu tối đa lực chấn động từ bánh trước lên tay lái. Đây là loại giảm xóc thông dụng, được sử dụng trên hầu hết các dòng xe thương mại.
Giảm xóc là bộ phận quan trọng trên xe máy
Dấu hiệu cảnh báo giảm xóc xe máy bị hỏng
Hệ thống giảm xóc của xe máy thường hư hỏng một cách thầm lặng. Vì vậy, khi người lái xe phát hiện ra thì thường giảm xóc đã hư hỏng khá nặng, gây tốn kém nhiều chi phí sửa chữa, thay thế. Do đó, khi gặp các triệu chứng cảnh báo giảm xóc bị hỏng hóc, người dùng cần nhanh chóng mang xe ra cửa hàng uy tín hoặc trung tâm sửa chữa chính hãng để kiểm tra, sửa chữa giảm xóc xe máy. Những dấu hiệu đó là:
– Đè mạnh lên góc xe – vị trí muốn kiểm tra rồi thả ra thật nhanh, nếu hệ thống giảm xóc hoạt động tốt thì xe sẽ bật trở lại, chỉ nhún 1 hoặc 2 lần.
– Đi vào chỗ xóc thấy xe bồng bềnh lâu hơn bình thường.
Khi bị hỏng hóc, giảm xóc xe máy sẽ có một số biểu hiện điển hình
– Khi đi vào đường xấu, qua gờ giảm tốc hoặc ổ gà, đuôi xe bị văng, giật không ổn định, gây rung hoặc tê tay lái, xe đi có cảm giác cứng, xóc nảy, không êm như bình thường.
Một số sự cố thường gặp trên giảm xóc xe máy và cách khắc phục
– Giảm xóc phát ra tiếng kêu
Trong quá trình vận hành, khi giảm xóc phát ra tiếng kêu cót két chứng tỏ bộ phận này đã gặp vấn đề như ống giảm xóc bị méo, lò xo bị gỉ, cọ xát vào ống bọc và thân xi lanh. Với xe dùng giảm xóc càng, triệu chứng giảm xóc phát tiếng kêu có thể là do bạc trước bị mòn, khô dầu hoặc ty thủy lực bị cong do va chạm, rung chấn mạnh,…
Để khắc phục, người dùng cần tháo giảm xóc, nắn lại ty thủy lực bằng dụng cụ chuyên dụng. Đây là bộ phận có giá cao, dễ bị tráo đổi nên người dùng cần mang xe tới những trung tâm bảo hành uy tín để được khắc phục sự cố hiệu quả và an toàn hơn.
– Chảy dầu giảm xóc
Khi có dấu hiệu cuối thân giảm xóc có gỉ dầu bám ướt hoặc khi xe chạy qua ổ gà, gờ đường phát ra tiếng lộc cộc thì chứng tỏ giảm xóc trên xe đã bị hở phớt, chảy dầu ty thủy lực. Để khắc phục, người dùng cần đổ dầu giảm xóc đúng chủng loại và liều lượng. Nếu sau khi đổ dầu xong mà giảm xóc quá cứng chứng tỏ lượng dầu đã vượt mức quy định, cần xả bớt dầu qua ốc xả ở đáy giảm xóc.
Chảy dầu giảm xóc là hiện tượng khá thường gặp
– Tay lái lệch
Khi xe máy chở đủ tải, xe bị xệ về một bên kèm theo tay lái không cân bằng là biểu hiện xe có thể bị gãy ở một bên lò xo, độ cứng lò xo của 2 bên giảm xóc không đều nhau hoặc một cán piston bị cong. Tùy theo nguyên nhân gây ra sự cố này mà người chủ xe lựa chọn thay lò xo hoặc nắn lại cán piston cho phù hợp.
Những hỏng hóc gặp trên giảm xóc xe máy trên đây sẽ có chi phí sửa chữa dao động trong khoảng 300.000 – 500.000 đồng.
Kinh nghiệm sử dụng, bảo quản giảm xóc xe máy bền bỉ
– Chở người hoặc vật đúng trọng tải quy định theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo sức chịu đựng của giảm xóc. Trường hợp chở nhiều người, vật nặng trong thời gian dài mà không tăng đơ giảm xóc lên mức cao sẽ làm hệ thống giảm xóc nhanh hư hại.
Không chở người hay vật quá nặng để tránh gây hại cho giảm xóc xe máy
– Không nên tháo các ốp nhựa hoặc xát-xi che bên ngoài phuộc nhún sau vì việc này có thể gây gỉ sét lò xo nhún do chúng không được bảo vệ trước sự mài mòn của cát bụi, nước mưa, bùn đất,…
– Nên rửa xe thường xuyên, tránh để xe quá bẩn, khi rửa xe cần làm sạch bùn đất, bụi bẩn bám quanh giảm xóc, đặc biệt là giảm xóc xe ga.
– Hạn chế phóng nhanh trên những đoạn đường xấu vì việc này gây ra lực tác động đột ngột, làm giảm xóc nhanh hỏng.
– Chu kỳ thay dầu xi lanh giảm xóc là 5.000 – 10.000km, cần chú ý đổ đúng loại dầu thủy lực, tránh dùng dầu động cơ thay thế.
– Bảo dưỡng định kỳ phuộc xe máy mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện và sửa chữa khi có sự cố.
>>Xem thêm: Góc cảnh báo tình trạng xe máy bị hết dầu, bó biên
Thực hiện theo những lời khuyên trên đây sẽ giúp quý khách có thể khắc phục được những sự cố thường gặp trên giảm xóc xe máy, giúp chi tiết này bền bỉ hơn, đảm bảo an toàn cao hơn khi tham gia giao thông.