439 Views

Tết cổ truyền là gì? Tất tần tật những điều thú vị gắn liền với hình ảnh của Tết

Tết cổ truyền là một lễ hội truyền thống lớn và quan trọng nhất trong năm của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền là gì, hay những món ăn và hình ảnh nào gắn liền với ngày lễ đặc biệt này thì không phải ai cũng hiểu rõ . Vì thế, trong bài viết sau đây, Thợ Sửa Xe sẽ mang tới bạn tới bạn những thông tin chuẩn xác và thú vị nhất về ngày lễ trọng đại này!

Tết cổ truyền là gì

Tết cổ truyền hay còn được gọi với những cái tên quen thuộc khác như Nguyên Đán, Tết Âm lịch, Tết ta hay chỉ đơn giản là Tết. Tương tự Tết cổ truyền ở Myanmar, Campuchia, Indonesia hay Trung Quốc, Tết cổ truyền là một dịp lễ đầu năm âm lịch, rất quan trọng và có ý nghĩa vô cùng đặc biệt ở nước ta.

tet-co-truyen-la-gi
Hình ảnh về ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam

Giới thiệu về nguồn gốc Tết cổ truyền ở Việt Nam, vì sao có Tết cổ truyền?

Nguồn gốc của tết vẫn còn đang được tranh cãi khá nhiều, thế nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày tết Nguyên Đán của dân tộc ta có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam trong 1000 năm bị đô hộ. Nhưng theo như sự tích “Bánh chưng bánh dày”, thì người Việt ta đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, tức là trước 1000 năm bị xâm chiếm.

mon-an-tet-co-truyen-viet-nam
Sự tích “Bánh chưng bánh dày” cho thấy người Việt ta đã ăn tết từ trước thời vua Hùng

Có thể thấy, Tết đã có rất lâu ở Việt Nam, nhất là trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế, ngài Khổng Tử đã viết trong cuốn Kinh Lễ rằng: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên gọi của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man. Họ nhảy múa đêm ngày như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó,…”

Hoặc, sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết rằng: “Bọn người Giao Quận thường sẽ tập trung lại thành từng phường hội nhảy múa, hát ca, ăn uống, chơi bời trong nhiều ngày liền để vui mừng một mùa cấy trồng mới. Không những chỉ có người dân làm nông, mà tất cả người làm trong nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều được tham gia lễ hội này”. Như vậy chúng ta có có thể kết luận được một điều là Tết Nguyên Đán có nguồn gốc bắt đầu từ Việt Nam.

Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền tại đối với dân tộc Việt Nam

Sau khi đã hiểu được Tết cổ truyền là gì, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu cặn kẽ về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền đối với dân tộc ra sẽ như nào nhé!

Với người Việt, Tết không chỉ là một khoảng thời gian chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa đối với tâm linh, văn hóa,… Theo quan niệm của người phương Đông, đây là khoảng thời gian mà trời đất có sự giao hòa, con người trở nên gần với thần linh hơn.

Tết là dịp để người nông dân có thể bày tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh như thần Mặt trời, thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước,… Kèm theo đó là những mong cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.

gioi-thieu-tet-co-truyen-viet-nam
Tết là dịp để người nông dân có thể bày tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh

Ngoài ra, Tết còn được coi là một ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng và thực hiện những điều mình muốn làm để một năm mới được an lành, sung túc, thuận lợi,… Do đó, vào mỗi dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp đẽ, lung linh.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để mọi người làm mới lại về tình cảm và tinh thần, nhằm mối liên kết với người thân được gắn bó hơn, tinh thần vui tươi, thoải mái hơn. Trong dịp Tết, các gia đình sẽ thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp những nén hương để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn họ đã phù hộ gia đình trong suốt một năm qua.

y-nghia-tet-co-truyen
Tết còn được coi là một ngày “làm mới” cả về tình cảm lẫn tinh thần

Các món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Vào ngày Tết cổ truyền, mỗi vùng miền ở nước ta lại có một mâm cỗ theo nét đặc trưng riêng. Nếu như trong mâm cỗ của người miền Bắc không thể thiếu nem rán, dưa hành, giò lụa, thì tại miền Trung, những mâm cỗ này lại thường có chả bò, dưa món, tôm chua,…

Mâm cỗ cổ truyền trong ngày Tết không chỉ đa dạng về số lượng món, mà nó còn cần chú trọng về hình thức trình bày, màu sắc của món ăn. Vì thế, hãy cùng Thợ Sửa Xe tìm hiểu về những món ăn không thể thiếu đối với người dân Việt thông qua phần bài viết dưới đây!

Bánh chưng

Bánh chưng được coi như là linh hồn của ngày Tết tại miền Bắc. Và đây chính là một trong những loại bánh có lịch sử lâu đời nhất trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Bánh được làm từ loại gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông vức bằng lá dong. Sau đó, chúng được đem đi luộc trong khoảng 8 đến 10 giờ cho tới khi chín. Khi đã nấu xong, bánh chưng rất dẻo, rất thơm mùi thơm của gạo nếp và đặc biệt, loại bánh này sẽ có màu xanh của lá dong.

Dưa hành

Cùng với bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể vắng mặt trong ngày Tết cổ truyền của người Việt ta. Dưa hành thường được muối duy nhất một lần trong một năm vào dịp gần Tết. Chúng được dùng để ăn kèm với các món ăn khác, bởi dưa hành sẽ làm giảm độ ngấy của đồ ăn, đặc biệt là những đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.

Giò lụa

Giò lụa hay còn có tên gọi khác như giò chả, chả lụa,… Chúng là tên gọi của một món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản, đó là thịt nạc thăn lợn được giã nhuyễn kết hợp cùng với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc đến khi chín.

Giò lụa được xem như một món ăn vừa phổ thông, vừa sang trọng. Đây cũng là món ăn quen thuộc với người dân Việt trong năm, chứ không chỉ riêng ngày Tết. Khi bày cỗ, giò sẽ thường được thái theo khoanh, chia thành miếng bằng nhau, gọn gàng, trông đẹp mắt và phải dễ gắp.

Giò xào

gio-xao-mon-an-tet-co-truyen-mien-bac
Giò xào – Món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Giò xào là một món ăn truyền thống với thành phần chính đến từ thịt thủ. Phần thịt tại đầu heo khi xào chín cùng với một số nguyên liệu khác như hạt tiệu, mộc nhĩ, muối… rồi được gói và nén chặt lại. Món ăn này được bắt nguồn từ miền Bắc và sau đó lan rộng ra toàn bộ lãnh thổ Việt Nam ra ngày nay.

Xôi gấc

Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là màu của sự may mắn và đây cũng là  màu sắc của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy, trong những ngày rằm, ngày lễ hay đặc biệt là ngày Tết thì nhất định trên mâm cỗ phải có 1 đĩa xôi gấc.

Xôi gấc được nấu từ những hạt gạo nếp ngon. Chúng được trộn với gấc tươi và cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín, xôi sẽ có một màu đỏ tươi trông vô cùng hấp dẫn và đẹp mắt.

Gà luộc

Gà luộc là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ những ngày Tết. Từ trước đến nay, mọi người luôn giữ quan niệm rằng gà sẽ mang đến niềm may mắn, hay một khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Vì thế, người ta thường lựa chọn những con gà tươi ngon, làm sạch. Sau đó cho gà vào nồi luộc cùng với một số gia vị như gừng, hoa tiêu và hoa hồi.

Gà khi luộc chín tới sẽ có màu vàng, không rách da và được chấm kèm với muối chanh ớt. Vị ngọt, thơm của miếng thịt gà khi ăn kèm với lá chanh và chấm cùng muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị đặc biệt, rất khó quên.

Nem rán

nem-ran-mon-an-tet-co-truyen-mien-bac
Nem rán – Món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Đối với Tết cổ truyền ở miền Bắc, không nhà nào không có ít nhất 1 đĩa nem rán trên mâm cỗ. Nem rán là một món ăn bình dân nhưng lại cầu kỳ, bởi để làm được món ăn này, bạn phải cần rất nhiều nguyên liệu nhưng sẽ không bắt buộc theo thực đơn cố định định. Nem rán bên ngoài có màu vàng óng, bên trong chứa đầy nhân thịt, mộc nhĩ, rau củ, nấm và giá.

Món ăn dân dã này được rất nhiều người Việt ta ưa thích. Đặc biệt, nem rán còn được coi là một “quốc hồn quốc túy” của người Việt. Ngày nay, mặc dù nem rán được biến tấu thành nhiều loại như: nem rán hải sản, nem rán chay, nem rán chả giò,… nhưng món nem rán theo kiểu truyền thống vẫn được ưa chuộng hơn cả.

Canh măng khô

Ngày Tết dường như sẽ không trọn vẹn nếu thiếu bát canh măng. Có rất nhiều loại măng khác nhau từ măng xé, măng lá,… thế nhưng măng lưỡi lợn vẫn là lựa chọn thường thấy nhất trong các mâm cỗ ngày Tết.

Nồi canh măng khi được nấu cùng chân giò là một món ăn đặc trưng của người dân miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó cũng là một nét văn hóa đẹp, thể hiện lên truyền thống của người Việt từ xưa với đã có thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên. Có thể nói, nếu thiếu đi món ăn này, mâm cơm sẽ không còn nét đặc trưng nào của ngày Tết nữa.

Thịt nấu đông

thit-nau-dong-mon-an-tet-co-truyen-mien-bac
Thịt nấu đông – Món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Thịt nấu đông là món ăn truyền thống, vô cùng quen thuộc đối với người dân miền Bắc vào mỗi dịp đầu năm mới. Người dân nơi đây sẽ thường sử dụng thịt chân giò, thịt gà, tai heo, thịt ngan… để nấu làm thịt đông.

Có thể nói, thịt đông là món rất riêng và chỉ có ở mùa xuân miền Bắc. Trong tiết trời xe lạnh, thịt đông sẽ trở nên ngon hơn rất nhiều. Thế nên, sau khi tất cả nguyên liệu đã được ninh nhừ với nhau, bạn cần để nguội chúng qua 1 đêm, thành quả của sáng hôm sau sẽ khiến bạn tràn đầy bất ngờ đấy!

Nem chua

nem-chua-la-mon-an-don-tet-co-truyen-cua-nguoi-mien-trung
Hình ảnh đặc sản nem chua được bày cúng trên mâm cỗ Tết của người miền Trung

Từ lâu, với người dân Thanh Hóa, nem chua đã được coi như một món quà ý nghĩa mà tiện lợi, bạn có thể đem đi biếu tặng vào mỗi dịp Tết đến xuân về nhằm thể hiện tình cảm chân thành nhất.

Có người giải thích rằng: do trước đây, nem chua được làm để tiến vua trong dịp Tết, thế nên khi được cúng lên bàn thờ của tổ tiên, chúng sẽ mang ý nghĩa cầu may mắn, sung túc. Cũng bởi vậy mà nếu có dịp tới chơi Tết tại miền Trung, chắc chắn bạn sẽ được người dân ở đây chiêu đãi nhâm nhi với vài chung rượu và những chiếc nem nướng nhỏ nhắn.

Món ăn đặc sản này vốn được làm từ thịt heo, sau đó tẩm ướp thêm gia vị và được gói chặt lại trong lá ổi hay lá chuối. Quá trình này diễn ra trong vài ngày, thành quả cuối cùng sẽ có vị chua thanh, giòn giòn và xen lẫn cay cay của ớt.

Bánh tét

Bánh tét có ý nghĩa rất đặc biệt, chúng là sự hội tụ của đất và trời và là một trong những món ăn truyền thống của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng gói bằng lá dong, thì bánh tét miền Trung và miền Nam sẽ gói bằng lá chuối.

Mặc dù giống nhau về nguyên liệu, thế nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn theo hình trụ. So với bánh chưng, bánh tét được đánh giá là dễ luộc, dễ chặt và ăn cũng ngon hơn khá nhiều.

Dưa món

dua-mon-la-mon-an-don-tet-co-truyen-cua-nguoi-mien-trung
Dưa món – Món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Nếu như miền Bắc trong ngày Tết se lạnh có dưa hành, thì ở miền Trung lại có dưa món. Là món ăn được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như củ cải, đu đủ, củ kiệu, cà rốt, dưa leo,… dưa món đã tạo nên một món ăn ngon không thể cưỡng nổi.

Mặc dù nghe qua có vẻ chúng khá đơn giản, thế nhưng để có thể làm được một đĩa dưa món đầy sắc vị, thì bạn sẽ tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ. Đặc biệt, khi một lát bánh tét dẻo mềm được ăn kèm cùng với dưa món giòn giòn, chua chua sẽ đem đến cho người ăn một cảm giác lạ miệng, rất khó quên. Đây cũng là một hương vị rất riêng trong những ngày Tết cổ truyền tại miền Trung.

Tôm chua

Một món ăn khác không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Trung ngày Tết đó chính là tôm chua – đặc sản của Huế. Vị ngọt bùi của tôm kết hợp với độ béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, hương của các loại rau thơm, vị chua của khế, chát của vả,… Tất cả đã tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” lôi cuốn, hấp dẫn, khiến bất kỳ ai ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi trong đời.

Chả bò

Trong bàn tiệc chiêu đãi khách trong những ngày đầu xuân, người miền Trung thường sẽ có một khoanh chả bò màu đỏ hồng. Với đủ vị cay, mặn, ngọt, giòn, dai quyện với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu đen khiến cho món ăn này không thể thiếu trong các dịp lễ Tết.

Thịt ngâm mắm

Mỗi dịp Tết đến Xuân sang, thì món thịt ngâm mắm lại là cách muối thịt phổ biến nhất ở các tỉnh miền Trung. Nguyên liệu của món ăn này có thể là thịt heo hay thịt bò đều được. Khi sơ chế xong, thịt được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu tỉ mỉ. Sau cùng, món thịt này khi ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với củ kiệu chua ngọt, dưa món và rau sống, rau thơm.

Củ kiệu tôm khô

cu-kieu-tom-kho-la-mon-an-don-tet-co-truyen-cua-nguoi-mien-nam
Củ kiệu tôm khô – Món ăn không thể thiếu đối với người Việt mỗi khi Tết đến xuân về

Nếu mâm cơm truyền thống của người miền Bắc ngày Tết luôn có dưa hành, thì mâm cơm của người phương Nam lại chẳng thể thiếu được hũ củ kiệu hay đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua chua, ngọt ngọt.

Điều đặc biệt ở miền Nam và miền Trung khác hoàn toàn đó chính là củ kiệu sẽ  không được ăn cùng với bánh tét, mà chúng thường ăn kèm theo tôm khô thành một món riêng.

Thịt kho nước dừa

Trong vô vàn các món ăn ngon tại Sài Gòn, thì món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất có lẽ là món thịt kho nước dừa. Món ăn này còn được biết đến với những cái tên như thịt kho hột vịt, thịt kho riệu.

Vào những ngày giáp Tết, bên cạnh việc nấu bánh tét, thì mọi người cũng rất hay chuẩn bị một nồi thịt kho nước dừa. Bởi thịt kho hột vịt này trông rất hấp dẫn, dễ ăn và cực kỳ ngon miệng. Nếu bạn muốn thưởng thức thử món này mà không cảm thấy ngấy, thì bạn có thể ăn chúng kèm với dưa, giá.

Lạp xưởng

Một trong những món phổ biến ở Nam bộ mà bất kì ai cũng biết đến đó chính là lạp xưởng. Cứ mỗi khi Tết đến, nhu cầu tìm mua lạp xưởng lại tăng lên đáng kể và chúng cũng không thể thiếu trong mâm cơm người dân nơi đây.

Lạp xưởng hiện nay được biến tấu thành rất nhiều loại như: lạp xưởng tươi, tôm, cá, khô, nạc,… Lạp xưởng vốn là một món ăn từ đất nước Trung Hoa, thế nhưng món ăn này lại được khá nhiều người Việt ta ưa chuộng. Chúng được làm từ thịt nạc và thịt mỡ lợn, khi xay nhuyễn với nhau, chúng sẽ được trộn với rượu, đường và nhồi vào ruột lợn khô để làm chín. Chính vì vậy, lạp xưởng luôn có vị hơi ngọt, độc lạ.

Canh khổ qua nhồi thịt

Với mỗi gia đình miền Nam, món canh khổ qua nhồi thịt còn là một món ăn thường ngày rất quen thuộc. Và món ăn này cũng được sử dụng trong những ngày Tết đầy quan trọng với ý nghĩa đẩy lùi những khó khăn đi qua trong năm cũ. Không những thế, đây cũng là một món ăn bổ dưỡng, giải nhiệt cơ thể rất tốt trong những ngày Tết.

Dưa giá

Với đặc tính thanh mát, giòn ngon, nên món dưa giá được rất nhiều người lựa chọn để giải nhiệt vào những ngày Tết. Dưa giá được ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, tuy nhiên để thích hợp nhất, dưa giá nên ăn kèm với thịt kho hột vịt, vì chúng có tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm trong những ngày đặc biệt này.

Thành phần chủ yếu để tạo nên một món dưa giá bao gồm: hẹ, cà rốt, giá rất bổ dưỡng cho cơ thể.

Hình ảnh đẹp gắn liền với ngày Tết cổ truyền của người Việt

Tiễn ông Công công Táo về trời

Cứ tới ngày 23 tháng Chạp, các gia đình ở Việt Nam sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà để cúng ông Công, ông Táo. Lễ cúng truyền thống này nhất định phải có cá vàng để tiễn các vị về trời, mong họ sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt mà gia đình đã làm trong một năm đã qua. Vì theo quan niệm dân gian, đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ thưởng hay trách phạt gia chủ dựa trên những gì mà ông Công, ông Táo báo cáo.

ong-tao-la-hinh-anh-ngay-tet-co-truyen
Đưa ông Công ông Táo về trời là một phong tục rất lâu đời của Việt Nam.

Dọn dẹp nhà cửa

Công việc dọn dẹp ngày Tết mỗi năm đều có mục đích chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới. Trong những ngày này, tất cả đồ đạc trong nhà sẽ được đem ra vệ sinh, chùi rửa thật sạch sẽ, chén mới, bát mới sẽ được chuẩn bị sẵn cho mâm cơm ngày tết. Đặc biệt, các vật dụng trưng bày cũng đều được đem ra trang trí cho nhà cửa trông mới mẻ, đẹp đẽ hơn.

Ngoài ra, đây cũng sẽ là lúc mà chúng ta xem lại các món nợ cần trả. Nếu có đủ khả năng, tốt nhất chúng ta nên trả trước Tết, không nên để nợ qua năm mới.

Đi chợ Tết

Ngày xưa, đi chợ Tết chủ yếu là để mua những thứ như: lá dong, mua thịt, mua hành để gói bánh chưng. Còn ngày nay, người dân ta còn có thêm thú chơi hoa và bày mâm ngũ vào quả ngày Tết cổ truyền.

Các loài hoa ưa chuộng và không thể thiếu trong ngày Tết đó là hoa đào, hoa mai, lay ơn, thược dược, hoa hải đường,… Còn mâm ngũ quả thì được tùy thuộc vào văn hóa vùng miền mà sẽ có các loại quả khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều mang một ý nghĩa: phúc lộc tràn đầy, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý,…

Thăm mộ tổ tiên 

Nếu có ai đó hỏi chúng tôi rằng: “Hành động bắt buộc phải làm trong ngày Tết cổ truyền là gì?”, xin thưa đó chính là việc đi thăm viếng ngôi mộ của tổ tiên.

Trước Tết Nguyên Đán, toàn bộ con cháu trong gia tộc sẽ tranh thủ tề tựu, cùng nhau đi thăm và quét dọn mồ mả của tổ tiên. Mỗi gia đình sẽ đều đem theo hương, đèn, hoa quả để cúng và mời vong linh của tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Việc làm này có ý nghĩa muốn mời tổ tiên cùng gia đình ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, ước mong những điều tốt đẹp nhất cho năm mới sắp đến.

Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm không chỉ đơn giản để ước nguyện, mà đó còn là khoảng thời gian để mọi người tìm về chốn tâm linh sau những tháng ngày vất vả mưu sinh, mong tìm được sự an nhiên, gạt bỏ đi hết những muộn phiền, lo âu trong năm cũ.

Xông đất

Người Việt ta quan niệm rằng, người đầu tiên xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hoặc không may mắn của mình. Chính vì thế, họ thường mời những người có tên hay, may mắn, hợp tuổi với chủ nhà để đến xông đất.

Người xông đất cần phải ăn mặc thật chỉnh tề, sau đó, họ phải đi hết một vòng quanh nhà với hy vọng vui vẻ và may mắn sẽ luôn tràn ngập khắp nhà của gia chủ.

Câu đối Tết

Từ lâu, treo câu đối Tết trong nhà đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Tết đến là lúc mà người người nhà nhà sắm sửa, trang trí đôi ba câu đối đỏ trong nhà để tượng trưng cho sự may mắn, cát tường và thành công trong năm mới.

Không những vậy, chơi câu đối Tết còn là một thú vui tao nhã của rất nhiều người. Chúng thể hiện được trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người dùng câu đối. Câu đối Tết được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết.

Ngày Tết, người Việt thường có thói quen mua và xin câu đối đỏ về treo trong nhà. Đó là những câu thơ đối nghĩa, đối vần được viết trên giấy màu hồng hoặc màu đỏ. Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ là màu rực rỡ, từng câu chữ được viết trên màu này đều là những lời chúc, lời mong cầu ý nghĩa nhất. Đặc biệt, chúng còn làm thành những bài học giáo dục sâu sắc, hướng con người tới vẻ đẹp của chân – thiện – mỹ.

nguoi-viet-don-tet-co-truyen-bang-cau-doi-do
Hình ảnh Ông đồ và các sĩ tử bên giấy đỏ, mực Tàu trong dịp Tết

Phong tục treo tranh và câu đố Tết bắt nguồn từ thú vui tao nhã của các nhà nho ở thời phong kiến trước đây. Việc này vừa là để trang hoàng nhà cửa, vừa là để thể hiện cái tài của bản thân. Dần dần thú vui này đã trở nên rất phổ biến, trở thành tập quán chung của người dân Việt trong dịp Tết.

Tranh treo Tết khá đa dạng, thường là tranh dân gian như hình ảnh mâm ngũ quả, hoặc tranh Đông Hồ hay cũng có thể là tranh chữ như Tài, Tâm, Phúc, Đức,…

Mứt Tết

Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất của người Việt, đây cũng chính là lúc ta cảm nhận được rõ nét nhất những vẻ đẹp văn hóa thuần túy của dân tộc. Trong đó, mứt đã trở thành những thứ không thể thiếu trong dịp đón xuân năm mới. Và đây cũng là một là thức quà không bao giờ vắng mặt trên bàn nước mỗi gia đình trong dịp Tết.

Ngày nay, trên thị trường đang có thêm rất nhiều các loại quà bánh độc đáo dành cho Tết. Tuy nhiên, suy cho cùng những món mứt truyền thống vẫn được dân ta ưa chuộng hơn cả. Đây là thứ nhâm nhi với ly trà nóng, đi cùng với đó những câu chuyện may mắn đầu năm.

Không chỉ là món ăn vặt thơm ngon, hấp dẫn cho cả trẻ em và người lớn, mà khi nhâm nhi miếng mứt ngọt bên tách trà ấm từ xưa đã trở thành một thú vui trong ngày tết.

Mứt sẽ thường được chế biến từ trái cây và một số loại củ sên và đường. Các loại mứt Tết truyền thống bao gồm: mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt dừa,  mứt quất,…

Mỗi loại sẽ có màu sắc, hương vị và ý nghĩa đặc trưng riêng, ví dụ như với mứt hạt sen, chúng sẽ thể hiện được mong muốn năm mới sum họp, con cháu đầy nhà; với mứt quất, chúng mang ý nghĩa cho những vận may, sự an lành và thịnh vượng trong cả năm mới,…

Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ ngày Tết là nét đẹp truyền thống vào những ngày đầu năm của dân tộc ta. Ở mỗi nhà, vào những ngày tết Nguyên Đán đều cần phải có một mâm cỗ để kính nhớ ông bà, tổ tiên và thể hiện được mong ước cho một năm mới an khang, sung túc, thịnh vượng.

Mỗi vùng miền sẽ có những mâm cỗ ngày đầu xuân với các món ăn riêng biệt. Khi tết đến xuân về, ngoài việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, thì việc chuẩn bị một mâm cỗ Tết là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Ở miền Nam, mâm cỗ ngày Tết thường gồm có nhiều món ăn ngon khá giản đơn. Thông thường, mâm cơm ngày Tết của người dân Nam bộ sẽ gồm có bánh tét, thịt kho tàu, củ kiệu trộn tôm khô, khổ qua nhồi thịt,… Mỗi món ăn sẽ đều mang một màu sắc và hương vị riêng, làm cho mâm cỗ tết ở miền Nam trở lên độc đáo, đa dạng và phong phú hơn.

Miền Trung là một vùng đất phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lũ mỗi năm. Thế nhưng, mâm cỗ của họ không phóng khoáng và mộc mạc như người dân miền Nam, mà lại rất tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách chế biến các món ăn trong mâm cỗ Tết Nguyên Đán.

Mâm cỗ ngày tết ở miền Trung có rất nhiều món ngon, với mong ước vào năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ luôn hòa thuận với nhau, mối quan hệ giữa các thành viên cũng sẽ khăng khít hơn.

Có thể nói, trong các mâm cỗ ở nước ta, thì mâm cỗ ở miền Bắc có lẽ là dạng có truyền thống lâu đời nhất. Từ những năm trước đây, đa phần các mâm cỗ tết Nguyên Đán ở miền Bắc đều sẽ tuân theo quy luật 4 đĩa – 4 tô, hay có thể là 6 đĩa – 6 tô,… với mục đích cầu tứ lộc quanh năm.

Không chỉ dừng lại ở đó, mà quan niệm về cách bày trí các món ăn còn phải được bày biện theo kiểu đĩa dưới đĩa trên hay theo tầng thấp tầng cao nhau.

Cây quất

Sở dĩ cây quất được chưng nhiều vào ngày Tết là vì phát âm của từ “quất” gần giống với với từ “cát” trong “cát tường” theo tiếng Hán. Loại từ này mang ý nghĩa gặp nhiều may mắn, phước lành. Bởi vậy mà cây quất đều thường được chọn để trang trí trong nhà vào những ngày Tết.

Khi chọn cây, người mua thường lựa những cây có quả vàng đều, sai quả, lá xanh tốt để thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, dồi dào sức khỏe, ăn nên làm ra. Nếu may mắn chọn được các cây có cả quả chín lẫn quả xanh và còn lộc non, điều này thể hiện được sự đầy đủ, thành công và may mắn.

Ngoài ra, cây quất còn là biểu tượng của bình an, sức khỏe, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.

Cây quất còn là một trong những loại cây vốn đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Chúng mang nét đẹp giản dị, sang trọng, được trồng để làm cảnh hay tạo các thế bonsai độc đáo. Theo quan niệm dân gian, cây quất không chỉ là một loại cây mang đầy đủ yếu tố ngũ hành, hợp mệnh gia chủ, mà chúng còn là loại cây với ý nghĩa mang may mắn, mang tài lộc đến nhà cả năm.

Hình ảnh cây quất vàng với những ý nghĩa phong thủy tốt đẹp. Những cành quất có quả nặng trĩu sẽ thể hiện cho một năm mới đủ đầy, phát đạt. Nhờ đó mà quất thường được chọn làm cây cảnh để bàn, để tại phòng khách hay trước hiên nhà với mong muốn mang lại may mắn cho cả gia đình. Vì vậy, sau Tết, bạn vẫn cần phải chăm sóc cây quất để giúp quất luôn tươi đẹp suốt cả năm bạn nhé!.

Màu của ngày Tết

Màu chủ đạo trong những ngày Tết vẫn là màu đỏ, bởi theo quan niệm xưa, màu đỏ là màu của phát tài và may mắn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những ngày Tết của Việt Nam ngập tràn trong màu đỏ như: hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ, câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ,… Ngoài ra, vào ngày Tết cổ truyền, người Việt Nam cũng rất thích chưng những loại hoa có ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào,…

Trước đây, khi pháo còn được cho phép đốt ở đường xá, chỗ nào cũng ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo, chúng được nổ không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết và nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết mồng ba mới thôi.

Ngay cả việc chọn trang phục màu đỏ để mặc trong dịp Tết cũng là một phong tục rất được ưa chuộng của dân tộc ta.

Như vậy, với tất cả các thông tin trên, Thợ Sửa Xe tin chắc bạn đã nắm được tất tần tật những điều thú vị về Tết, bao gồm: Tết cổ truyền là gì, nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, hay những món ăn, hình ảnh gắn liền với ngày đầu năm mới của Việt Nam. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hay ho khác, hãy thường xuyên truy cập vào web của chúng tôi mỗi ngày nhé!

439 Views